Biết biểu hiện của chó, mèo dại để tránh xa




Nội dung bài viết:

Ở Việt Nam, chó nhà là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (95-97%) sau đó đến mèo. Nếu bạn tiếp xúc với chó hoặc mèo đang bị nghi ngờ nhiễm bệnh dại, sẽ có vài dấu hiệu giúp bạn nhận diện bệnh dại ở chó, bệnh dại ở mèo, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Cần đối phó hết sức cẩn thận cũng như không nên tự mình cố bắt những con vật có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Hãy liên lạc ngay với cơ quan kiểm soát động vật, tổ chức động vật hoang dã địa phương, hoặc gọi cho cơ quan chức năng càng sớm càng tốt.

1. Biểu hiện bệnh dại ở chó

- Bệnh dại ở chó thể hiện ở sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó, chẳng hạn như:

  • Cắn khi không bị trêu chọc, dễ bị kích động
  • Chán ăn hoặc ăn những thứ khác thường như gậy, móng tay ...
  • Chạy mà không có lý do rõ ràng
  • Thay đổi trong âm thanh: sủa khàn và gầm gừ, sủa không ra tiếng
  • Tiết quá nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép
  • Thay đổi thói quen, tâm tính thường ngày
1.1 Dấu hiệu thể dại điên cuồng ở chó

- Thời kỳ tiền lâm sàng: chó trốn vào góc tối, khu vực kín đáo. Đến gần chủ một cách miễn cưỡng hoặc ngược lại, tỏ ra vồn vã thái quá. Thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi hoặc bồn chồn...

Thời kỳ điên cuồng:
  • Chó dễ bị kích động, cắn sủa người lạ dữ dội. Quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài.
  • Nơi vết thương bị cắn nổi ngứa khiến chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu.
  • Chó bỏ ăn, khó nuốt, sốt cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử. Có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không uống được.
  • Chó chảy nước dãi nhiều, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt. Cắn vu vơ hay giật mình. Đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ.
  • Con vật bỏ nhà đi và thường không trở về. Trên đường đi gặp vật gì lạ cũng gặm cắn, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người.
Thời kỳ bại liệt:
  • Chó bị liệt. Liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, không nuốt được thức ăn, nước uống. Chân sau liệt ngày càng rõ.
  • Chó chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Nguyên nhân do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.
  • Thể dại điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp chó dại, số còn lại là thể dại câm.
Biểu hiện bệnh dại ở chó
1.2 Dấu hiệu thể dại câm ở chó

- Không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như trên, ở thể dại câm chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Chó có thể bị bại liệt ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra ngoài. Nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

- Quá trình này tiến triển khá nhanh, chỉ từ 2 - 3 ngày vì hành tủy của con vật bệnh bị virus tác động làm rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp sớm hơn.

2. Biểu hiện bệnh dại ở mèo

- Mèo ít có nguy cơ mắc bệnh dại hơn chó (chỉ 2 - 5%) vì mèo vốn quen sống một mình. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển tương tự như ở chó. Mèo mắc bệnh hay núp mình vào chỗ vắng, bóng tối, hay kêu, bồn chồn, không nằm yên một chỗ. Khi người chạm vào thì nó phản ứng mạnh bằng cách cắn và cào, gây nên những vết thương sâu dễ khiến virus dại xâm nhập.

- Giai đoạn ủ bệnh dại ở mèo có thể kéo dài từ 2 - 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, mèo sẽ có chút thay đổi về thể trạng với những biểu hiện không rõ ràng. Các triệu chứng bệnh không rõ ràng của giai đoạn đầu bao gồm:

  • Sốt, đau cơ
  • Dễ cáu gắt, bồn chồn, hay rùng mình (là trạng thái chung xuất hiện khi mèo bị ốm và bực dọc)
  • Sợ ánh sáng, sợ hãi tột độ với ánh đèn sáng
  • Nôn mửa, tiêu chảy, ho hen
  • Không thể hoặc không muốn nhai nuốt, dẫn tới chán ăn, hoặc không thiết tha với thức ăn.
2.1 Dấu hiệu thể dại đơ ở mèo

- Thể dại đơ là thể dại khá phổ biến ở mèo. Ở thể dại này, mèo thường không có biểu hiện hung dữ và hiếm khi cắn xé. Một con mèo mắc chứng dại đơ sẽ có biểu hiện lờ đờ, hoảng loạn và ủ rũ. Các triệu chứng của thể dại đơ hay thể dại bại liệt bao gồm:

  • Chứng liệt ở chân, cơ hàm, hay một phần cơ thể
  • Hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, dáng vẻ như 'bị đơ'.
  • Nước dãi lòng thòng xung quanh miệng
  • Việc nhai nuốt gặp khó khăn, chán ăn.
Biểu hiện bệnh dại ở mèo
2.2 Dấu hiệu thể dại cuồng ở mèo

- Những dấu hiệu của thể dại điên cuồng bao gồm:

  • Chảy nước dãi, sùi bọt quanh mép
  • Lo lắng bồn chồn, sợ nước, sợ đến gần nước hoặc sợ hãi tiếng nước
  • Hung hãn, dữ tợn, dễ bị kích động, thường nhe răng ra như thể sắp sửa cắn xé
  • Không màng đến thức ăn, chán ăn
  • Hành vi bất thường, tự cắn cấu bản thân mình. Có xu hướng cào, cắn xé hoặc tấn công người hoặc vật khác.

- So với thể dại đơ thì thể dại cuồng ít phổ biến hơn, tuy nhiên do tính hung hãn và hành vi bất thường nên bạn nên liên hệ với các cơ quan kiểm soát động vật nhanh chóng khi nhận thấy động vật có biểu hiện chứng dại cuồng.

- Do bệnh dại có thể lây nhiễm từ vật bệnh sang vật nuôi trong quá trình ẩu đả nên nếu gia đình bạn đang nuôi mèo, hãy kiểm tra xem liệu trên người chúng có vết cắn hay dấu hiệu của cuộc ẩu đả hay không. Virus bệnh dại có thể ký sinh trên da hoặc lông mèo đến 2 giờ đồng hồ, vì vậy bạn nên mang găng tay và mặc áo quần dài tay trước khi bế mèo kiểm tra. Hãy đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu như: vết cắn, vết trầy xước, vảy, lông xù lên với vùng nước bọt đã khô, nhiều bọc mủ....

3. Cách phòng chống bệnh dại ở chó mèo

- Để phòng chống bệnh dại ở chó mèo, chủ nuôi cần có ý thức tiêm phòng dại định kỳ hàng năm cho thú nuôi. Phòng ngừa bệnh dại ở chó con:

  • Đưa chó con đi tiêm lần đầu khi được 4 tuần tuổi.
  • Nếu chó mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm cho chó con vào lúc chó được 3 tháng tuổi, sau đó mỗi năm tiêm nhắc lại một lần.
  • Chủ nuôi cần lưu ý thường xuyên giám sát chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông ngoài đường. Khi dắt chó ra nơi công cộng phải có người để ý và theo dõi, không để chó đi lang thang ngoài đường.
  • Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, dễ kích động, hung dữ khác thường thì nên đưa thú tới các cơ sở thú y gần nhất.
  • Cần vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khử trùng những khu vực xung quanh thú bị nghi/bị bệnh dại (đặc biệt là với nước bọt). Pha loãng dung dịch thuốc tẩy gia dụng theo tỉ lệ 1:32 (150g/ 4 lít). Vật nuôi bị chết do mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại phải đem chôn hoặc đốt xác.

- Bệnh dại là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và tiến triển với tốc độ rất nhanh, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho thú nuôi và gây nguy hiểm cho chủ nuôi lẫn các thành viên trong gia đình. Do đó để bảo vệ cho gia đình và cả chính bạn trước căn bệnh nguy hiểm này, phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin chủ động là phương án tối ưu nhất mà bạn nên áp dụng.

Phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin chủ động là phương án tối ưu nhất mà bạn nên áp dụng.